Lần thứ hai tôi bước lên chặng đường tiến về Hoang thôn.
Sáng sớm, tôi mang một chiếc va li đựng những đồ quan trọng bước lên chuyến xe khách đường dài hường về thành phố K. Nhìn những thửa ruộng Giang Nam ngày hạ ngoài cửa sổ ô tô, hình như mọi thứ lại trở về điểm xuất phát ban đầu, chỉ là đổi sang mùa khác mà thôi. Nhớ lần đầu tiên tới Hoang thôn, trong lòng thấp thỏm bất an, sự hưng phấn và hiếu kỳ chiếm phần lớn. Nhưng lúc này, sau khi đã trải qua bao nhiêu việc, tâm trạng của tôi cũng trở nên trấn tĩnh dị thường, bởi vì chuyến đi lần này là để làm cái việc mà tôi bắt buộc phải làm.
Sau vài tiếng đồng hồ phóng như bay, buổi chiều tôi tới bến xe khách thành phố K. Sau đó, tôi không nghỉ chân mà ngồi ngay lên chiếc xe buýt nhỏ tới thị trấn Tây Lãnh, hai tiếng sau thì tới nơi. Đã hoàng hôn rồi, tôi ăn qua quýt bữa tối tại thị trấn Tây Lãnh, sau đó đi bộ ngay trong đêm để tới thị trấn Hoang thôn.
Đường lần trước đi vẫn nhớ rất rõ, hơn nữa tôi cũng đã xác định sẵn tư tưởng, bởi vậy khi đi cũng không quá mệt mỏi. Trên những dãy núi hoang vắng trong đêm mùa hạ này, bốn bề đều lộng gió biển mặn chát. Tôi đi liên tục mấy tiếng đồng hồ, rút cuộc cũng vượt qua ngọn núi cuối cùng. Vùng biển đen trong đêm tối hiện ra trước mắt tôi, dưới dốc núi tọa lạc một ngôi làng tăm tối, tấm bia tiết hạnh trước cổng thôn vẫn nổi bật dưới ánh trăng như thủa nào.
Hoang thôn, tôi lại đến đây.
Bỗng nhớ lại hơn hai mươi ngày trước, khi bốn sinh viên tới đây, tâm trạng của họ thế nào? Ít nhất cũng không thể ngờ tới vận hạn đen đủi đang đợi họ nhỏ.
Để lòng mình bình tĩnh lại cái đã, sau đó tôi sờ lên chiếc nhẫn ngọc, thì thầm: "Mày về nhà rồi".
Đi qua chiếc bia tiết hạnh, tôi dò dẫm trong bóng tối tiến vào Hoang thôn.
Tuy đã là mùa hạ, nhưng không khí trong những con đường nhỏ ở Hoang thôn vẫn sát khi nhường vậy, xung quanh không có lấy một hơi người, tôi dựa theo trí nhớ để mò tới trước cổng Tiến Sỹ Đệ. Dưới ánh trăng lạnh lẽo, ngôi nhà từng oai nghiêm một thời đang lặng lẽ đứng sừng sững, toát ra hơi thở như sắp chết tới nơi. Đúng vậy, từ nay trở về sua, ngôi nhà cổ này sẽ chẳng bao giờ có người sống nào ở đây nữa, nó sẽ trở thành một ngôi nhà chết.
Nín thở, tôi nhẹ nhàng đẩy cổng, quả nhiên chỉ là đóng lấy lệ, chắc là bình thường các thôn dân cũng không dám vào đây. Tôi lập cà lập cập bước vào sân đầu tiên trong Tiến Sỹ Đệ, sau đó bật đèn pin.
Ánh sáng đèn pin đưa tôi tiến vào phòng khách, soi sáng ba chữ "Nhân Ái Đường" trước tấm biển, bên dưới vẫn là bức chân dung cổ nhân bằng giấy ống quyển. Ở đây vẫn giống như lần trước tôi nhìn thấy, cảm giác khiến người ta nghẹt thở.
Tôi tiến vào sân thứ hai trong Tiến Sỹ Đệ, ánh trăng vương vãi trên mảnh sân nhỏ cô đơn, giống như đang trở về một niên đại nào đó. Tôi nhẹ nhàng bước lên ngôi nhà gỗ cạnh đó, mở cửa một căn phòng. Chụm ánh đèn quét qua quét lại giữa những lớp bụi dày đặc, bỗng nhiên quét thấy một chiếc máy vi tính, bên cạnh còn có một chiếc ti vi, nhưng chúng đều tích đầy bụi, xem ra lâu lắm rồi không dùng đến. Cách bài trí của căn phòng này gần giống như ở thành phố, xem ra hình như là quế phòng mà Tiểu Chi từng ở.
Tim tôi bỗng nhiên trào dâng một cảm giác đau buồn man mác, tôi khẽ gọi hai tiếng: "Tiểu Chi".
Lặng lẽ đợi vài phút, xung quanh vẫn chẳng có động tĩnh gì, dù biết rằng làm thế chỉ tổ uổng công nhưng trong lòng tôi vẫn hy vọng kỳ tích sẽ xuất hiện.
Không, kỳ tích không thể có được nữa.
Tôi lặng lẽ đi xuống căn gác nhỏ, rồi tới ngôi nhà phía sau đó. Mùa đông mấy tháng trước, tôi đã từng ở trong căn phòng trên ngôi nhà này. Đẩy tấm cửa quen thuộc ra, bên trong thấy rõ có chút xáo trộn, tôi biết bốn sinh viên đó cũng đã từng ở đây. Dưới ánh đèn pin mù mờ, bốn tấm bình phong sơn mài hiện rõ mồn một, nhìn những bức tranh sống động như thật này, tôi không tránh được tiếng thở dài.
Rời khỏi dãy nhà này, tôi lại tới sân sau của ngôi nhà cổ Tiến Sỹ Đệ. Trong vườn hoa cổ hoang dại này, cây hoa mai nổi bật nhất dưới ánh trăng, những nhành cây vươn ra trong đêm tối. Tôi chầm chậm tiến lại miệng giếng, nhìn một lần xuống giếng nhưng chẳng nhìn thấy gì trong bóng tối, chỉ cảm giác một luồng khí lạnh toát đang sộc lên mặt... dưới đáy chính là nơi chôn thân của "vợ thế".
Cô lẽ, đây là một ngôi nhà tội ác.
Trở lại sân thứ hai trong Tiến Sỹ Đệ, tôi giơ cao tay trái của mình lên, chiếc nhẫn ngọc phát ra ánh sáng kỳ dị dưới ánh trăng, tôi nghĩ đã đến lúc rồi.
Tôi chỉnh đốn một chút túi hành lý, lấy từ trong đó ra một số công cụ cần thiết, ngoài ra còn có chiếc va li kia. Sau đó, tôi mang tất cả những thứ này, mở cửa căn phòng dưới tầng trệt, ánh đèn pin soi sáng một chiếc giường to, đây chắc là phòng của Âu Dương tiên sinh rồi. Tôi vòng tới cuối căn phòng, quả nhiên phát hiện trên tường có một chiếc cửa bí ẩn, xem ra hội Hoắc Cường khi bỏ đi đã chưa kịp lấy gạch bịt lại.
Tôi cẩn thận rón rén bước vào mật thất, rồi lại lấy đèn pin soi xuống phía dưới, những bậc cầu thang lập tức hiện ra. Chính là đây rồi, tôi hít một hơi thật sâu, từng bước từng bước đi xuống địa đạo.
Có lẽ, do chiếc cửa bí ẩn đã từng được mở ra, đường đi dưới lòng đất cũng ẩm ướt thấy rõ, từ góc độ bảo tồn văn vật cho thấy, đây vòn không phải là một việc tốt. Đi xuống khoảng chục mét, quả nhiên xuất hiện một chiếc cổng đá lớn, nhưng khóa cửa đã bị kẹp đứt rồi. Tôi tìm thấy chiếc khóa trên mặt đất, đó là loại khóa mà tôi thường thấy khi còn nhỏ, tôi nghĩ Âu Dương tiên sinh đã từng ra vào chiếc cổng này, vì thế mới sử dụng chiếc khóa này.
Bước vào cánh cổng đá, bên trong là một địa đạo dài, do đã chuẩn bị sẵn tâm lý nên tôi đi rất nhanh, mấy phút sau đã tới phòng khách dưới lòng đất – địa cung Hoang thôn thần bí.
Đột nhiên, tôi cảm thấy tay trái của mình nóng rực lên, chắc đó là tác dụng của chiếc nhẫn ngọc. Nhưng tôi gồng sức chịu đựng, dùng đèn pin soi một vòng quanh địa cung trước đã, hình như nhìn một lần cũng không thể thấy tận đáy.
Trên mặt đất phía sát tường, tôi phát hiện mười mấy vật bằng ngọc. Đúng, chắc chúng đều là đồ ngọc thời Lương Chử, tôi lập tức mở chiếc va li ra, cẩn thận lấy từ trong đó ra năm vật bằng ngọc.
Lúc này, những thứ ngọc hổ phách, ngọc bích và búa ngọc cuối cùng đã cùng nhau đoàn viên, giống như đã trở về cổ quốc Lương Chử năm nghìn năm trước. Chúng có lẽ sẽ vĩnh viễn ở lại trong đất.
Ánh sáng đèn pin lại rọi lên chiếc cửa nhỏ trên tường, đây chắc là cửa của mật thất địa cung? Tôi sờ tay lên đó, quả nhiên là được làm bằng chất liệu ngọc. Tôi nhẹ nhàng đẩy cánh cửa ngọc, khom lưng tiến vào gian mật thất này.
Mật thất rộng khoảng mười mét vuông, độ cao khiến tôi chỉ có thể cúi đầu, tôi dùng đèn pin quét một vòng, phát hiện trên mặt đất có một chiếc hộp. Tôi lập tức ngồi xổm xuống, dùng đèn pin soi cẩn thận, chiếc hộp này cũng được tạc bằng ngọc, chắc đây chính là chiếc rương ngọc.
Trên nắp rương ngọc vốn dĩ có miếng đất niêm phong, nhưng đáng tiếc là đã bị Hoắc Cường đập vỡ. Tôi nghĩ mỗi khi gia tộc Âu Dương mở chiếc rương ngọc này ra, rồi để đồ vào trong đó chắc đều sẽ lưu lại miếng đất niêm phong mới, đánh dấu do người nào đó niêm phong trong tháng trong năm nào đó.
Và chiếc nhẫn ngọc trên tay tôi, vốn dĩ phải cất giữ trong chiếc rương ngọc này.
Trầm ngâm hồi lâu, tôi cẩn thận tỉ mỉ mở chiếc rương ngọc ra, bên trong nghiễm nhiên là trống hươ trống hoắc.