Tờ báo ấy không đến được xóm Linh Linh vì ở đây từ xưa đến nay chưa từng có thư từ báo chí. Mà cả xóm này, trừ mấy ông chủ thầu đã bỏ chạy, còn lại tuyệt nhiên không ai biết chữ. Giả dụ như bài báo ấy có đến thì cũng chẳng hề gây được chút ảnh hưởng nào.
Nhưng cả xã Hưng Thịnh thì xôn xao, cả huyện Thuỷ Đông ồn ào náo động. Rồi gần khắp cả tỉnh, đâu đâu cũng xì xầm bàn tán, rằng trên đời này lại có cái xóm nhà một ông bảy vợ mà lại là bảy chị em, rằng biết đâu có thể có cái tượng đồng đen ấy thực. Chuyện đời cứ như chuyện cổ tích, kể qua kể lại không sao tránh khỏi sự thêm thắt để thêm phần hấp dẫn. Thế rồi, trăm nghe không bằng một thấy, nhiều kẻ vô công rỗi nghề đã rủ nhau đi tận nơi. Thời gian đầu còn lác đác, càng ngày càng tấp nập. Người trong Huế ra, người ngoài Bắc vào mà ngay dân trong huyện cũng cảm thấy lạ lùng cần phải mò tới. Ngay dân trong xã Hưng Thịnh có phải ai cũng đã được tận mắt nhìn thấy xóm Linh Linh đâu ! Rầm rập, dập dồn, người đi bộ, kẻ đi xe, hầu hết là những người ăn mặc sang trọng, ngày nối ngày tấp nập lại qua, nhiều đêm họ cắm bạt ngủ lại. Xóm Linh Linh phút chốc tràn ngập văn minh. Thế mới biết bài báo nói trên có giá trị đến ngần nào !
Khiếp đảm hơn cả lúc đám chủ thầu đưa máy cày, máy húc về đào xới, ông Ngãng và bảy bà vợ già cùng lũ con đều co dúm lại trong các lều tranh để tránh sự vây bủa hỏi han, tránh những chiếc máy ảnh chụp tanh tách, những cái chỉ trỏ, thầm thì rồi bất chợt cười ré lên của đám khách không mời mà đến ấy. Đôi lúc ông Ngãng điên lên lầu bầu chưởi rủa. Cũng có lần Ngô trợn mắt bỉm môi toan phun ra một hơi thuốc độc, và đặc biệt là Vĩ Kiều, người con gái thị thành hẳn hoi, lại phải lúc bụng mang dạ chửa nên tính khí càng hung dữ, cô không chịu đựng được khi thấy người ta cứ nườm nượp kéo tới coi mình như coi con thú lạ. Cô đã rướn cổ lên mà chưởi, mà văng ra tất cả các thứ tục tỉu của người đàn bà. Tuy vậy, khách không hề tự ái thì bởi chính họ đang muốn được thấy, được nghe tận mắt những cái quái lạ ấy. Còn như họ, lớp người văn minh ấy, đời nào lại biết văng các thứ ấy ra.
° ° °
Tai hoạ không phải chỉ có vậy. Khi những huyền thoại về pho tượng đồng đen cùng với xóm Linh Linh được loang truyền rộng rãi, và tin tức của những đoàn khách đã từng đến tận nơi tham quan trở về trở thành tin sốt dẻo nhất trong các quán cà phê, quán cắt tóc, thì có một số ít người đã đặc biệt quan tâm đến những chuyện ấy. Đó là những người đàn ông miền thượng bán thuốc ở ga. Dĩ nhiên không phải tất cả những người miền thượng có mặt ở thành phố, bởi số đông họ chẳng dính líu gì đến chuyện này. Kẻ để tâm dò hỏi nhiều nhất về pho tượng chính là những người đã quá sốt ruột vì chuyện đó mà giả dạng bán thuốc để mò vê tìm dấu vết của Ngô. Họ xuống xuôi mỗi đứa một lần khác nhau nên không hề biết sự có mặt nhau ở đây. Xuống đến phố, mỗi đứa tự tìm một nơi để bán thuốc và để dò tin. Phu Sẩu lẩn quẩn ở ga. Mu Thoòng trong bộ sơ vinh chải chuốt, nói năng đặc giọng Huế la cà ở những tiệm cà phê đông người. Các thầy mo khác đều ở dạng bán thuốc, kẻ ngồi chợ, người ra bến xe ... Rồi khi nghe tận tai tên huyện Thuỷ Đông, xã Hưng Thịnh, xóm Linh Linh, tất cả đều đã nhảy lên các chuyến xe đò khác nhau mà mò ra cái nơi đang tấp nập người tham quan kéo đến. Chẳng ai để ý đến họ. Trong lúc đó, những tên thầy mo ấy lại chòng chọc để ý từng người.
ở xóm Linh Linh, Ngô không hề biết mình đang bị săn đuổi. Nhưng cái không khí náo động của những người ngày ngày kéo nhau đến nhòm ngó khiến hắn không sao bình tâm được. Nhớ lời dặn của người sui gia, hắn rỉ tai đứa con dâu tiết lộ kế hoạch hành động của mình, yêu cầu Phú Đản trợ giúp ngăn chặn đám khách tham quan. Vĩ Kiều mặc dù cái bụng đã to và nhọn hoắt ra phía trước, nhưng tỏ ra là đứa con dâu hiếu thảo , cô vẫn mò ra đường cái đón xe đò vào Huế.
Vĩ Kiều đi từ lúc tám giờ sáng đến khoảng bốn giờ chiều thì có mặt trở lại ở xóm Linh Linh. Ngô chưa kịp hỏi han công việc thì Vĩ Kiều đã nhăn mặt, ôm bụng xuýt xoa. Cô Lào chạy lại ôm lấy người cháu, dìu vào giường. Ông Ngãng thò đầu ra khỏi buồng hỏi:
- Đẻ à ?
Lào càu nhàu
- Đã bảo đừng có đi xa, đâu có chịu nghe !
- à, nghĩa là động thai à ?
Ông Ngãng hỏi như hỏi một người bán cá ở chợ. Rồi ông cao giọng tuyên bố.
- Ngải cứu, trứng gà, thang ấy hơi khó uống nhưng rất hiệu nghiệm, nếu không thì dùng phương Hà thủ ô, long nhãn ...
Lào hét lên:
- Thôi, bố im đi !
Ngô đứng đực người nhìn con dâu . Cái việc rắc rối ấy đã xảy ra. Vĩ Kiều cứ nhăn nhó, xuýt xoa gần vài giờ liền rồi chuyển qua kêu la dữ dội. Lào cuống quýt soạn sửa tã lót, quát nạt mọi người giúp một tay. Nhưng trời đã tối hẳn. Tất cả các túp lều đều đóng chặt cửa vì ở ngoài bãi nhiều khách tham quan cắm bạt ngủ lại. Trong căn nhà một gian hai chái chỉ còn có ông Ngãng và Ngô là có thể phụ giúp thêm tay với Lào. Bà La dạo này quá yếu, mắt kém, tuy run không thể cậy nhờ công việc.
Giữa lúc ấy, ở phía ngoài bãi phi lao xuất hiện thêm nhiều khách mới. Thực ra, họ đến đây từ sớm nhưng không ai muốn lộ mặt nên đã tìm cách lảng vảng phía chợ, chờ trời tối hẳn mới mò vào. Đó là ba vị chủ thầu đã bị đuổi khỏi xóm này, nhưng hầu như những cặp mắt, đôi tai của họ thì chưa hề tháo gỡ khỏi đây. Cả Nghi, Ngãi lẫn Vi Hán đều đã bỏ tiền ra nuôi không một số tên tay chân ăn rồi ngồi chơi ở ngoài chợ hoặc trà trộn với khách tham quan. Bất cứ động tỉnh nào của xóm nhỏ này cũng đều được mật báo cho chủ. Sáng nay việc Vĩ Kiều nặng nhọc khuôn cái bụng lễ mễ ra đón xe, chiều đó lại thấy cô hớt hải trở về, sự kiện ấy không thể không được đánh giá là đặc biệt. Cả ba chủ thầu vừa con vừa rể ấy đều vội vã có mặt ở chợ. Họ chui vào một chiếc quán, sai lũ tay chân trà trộn với khách tham quan bám chặt hoạt động của bảy túp lều ...
Chập choạng tối, ba người lại nhìn thấy Phú Đản đi xe hon đa ra. Đèo phía sau xe hai tên phụ nề hung dữ. Bọn này cũng kéo nhau vào một chiếc quán. Một tên phụ nề lặng lẽ tách ra đi thẳng vào xóm. Đúng là có chuyện thật rồi. Nhóm Nghi, Ngãi, Vĩ Hán đều thống nhất nhận định như vậy. Họ hồi hộp chờ.
Cơn đau của Vĩ Kiều ngày một dữ dội khiến cho cô la hét muốn động trời. Bên ngoài, đám khách tham quan cảm thấy kỳ lạ, họ rủ nhau len lén mò vào, vây lấy túp lều nhòm qua các khe nhỏ của phên liếp. Vĩ Kiều nằm ngủa, trần truồng như nhộng, cái bụng cao chồm lên và thỉnh thoảng lại núng ra những cục rất nhọn. Mặt cô tái mét, mồ hôi toát ra đầm đìa. Bên cạnh cô Lào cũng vã mồ hôi. Vĩ Kiều rên rỉ khóc:
- Cháu ... cháu chết mất ...
- Đừng dại mồm ...
- Có ... có cách chi không ? Mau lên ...
Cách chi được. Lào cố nghĩ mà chẳng nghĩ ra. Cả đời cô nào có biết gì đến chuyện sinh đẻ. Cô cứ nghĩ mãi mà không hiểu vì sao Vĩ Kiều lại chuyển bụng lâu đến vậy vẫn chưa sinh được. Hay là đẻ ngược ? hay thai to quá ? Hay đây chỉ mới là động thai do đi xe đò mà chưa phải đến ngày sinh ? Chị lật đật hỏi:
- Này, cháu thử coi, đã phải đến ngày sinh chưa ?
- Không ... không biết ?
- Ơ răng lại không biết ? Hôm ni là hai mươi tháng sáu nghe, tính lui lại chính tháng mười ngày ... vị chi là mồng mười tháng mười năm ngoái ... có phải cháu có thai hôm đó không ?